Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có đồng phạm trốn

09/08/2023 - Đăng bởi : Lê Xuân Thủy

TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7) - Trong một vụ án hình sự ngoài việc định tội danh, hình phạt thì việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt là một vấn đề quan trọng nhằm giải quyết khách quan, toàn diện vụ án đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người bị hại.

Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có đồng phạm bỏ trốn còn có nhiều quan điểm và cách giải quyết khác nhau cho nên việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất.

Chúng ta cùng xem xét một vụ án sau:

Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 11/11/2021, Trần Quốc H điều khiển xe mô tô biển kiểm sát 89 B1-882.93 chở Nguyễn Đình V đi lang thang trên đường, tìm người có sơ hở để trộm cắp tài sản. Khi đi ngang qua số nhà 108B/2, đường T, thành phố Y, tỉnh H, thấy trong tiệm tạp hóa anh Trần Văn K đang nằm ngủ, bên cạnh dựng 1 xe môtô SH vẫn cắm chìa trên ổ khóa nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. H dựng xe mô tô bên đường để V ở ngoài cảnh giới, còn H đi vào lấy trộm chiếc xe SH của anh K. Lấy xe trót lọt, hai đối tượng mang đi bán được 15 triệu đồng và cùng nhau tiêu xài hết.

Quá trình giải quyết vụ án, chiếc xe SH của anh K không thu hồi được, giám định qua hồ sơ mua xe và lời khai của anh K, chiếc xe này được định giá 57 triệu đồng. Trong thời gian bị tạm giam, H bỏ trốn. Cơ quan tiến hành tố tụng đã tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra và quyết định truy nã đối với Trần Quốc H.

Tại phiên tòa sơ thẩm, anh K yêu cầu V phải bồi thường cho mình toàn bộ giá trị chiếc xe SH là 57 triệu đồng; nhưng V chỉ chấp nhận bồi thường cho anh K ½ giá trị chiếc xe là 28,5 triệu đồng.

Quan điểm thứ nhất: Chấp nhận yêu cầu của anh K, buộc V bồi thường cho anh K 57 triệu đồng, Vì H bỏ trốn, cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm đình chỉ vụ án đối với H, nên cần buộc V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại để đảm bảo quyền lợi cho anh K. Trách nhiệm hoàn trả của H cho V, được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (khi bắt được H và V có yêu cầu).

Quan điểm thứ hai: Buộc V bồi thường cho anh K 28,5 triệu đồng. Vì V chỉ có trách nhiệm bồi thường ½ giá trị chiếc xe SH; phần còn lại là trách nhiệm của H và cần xác minh tài sản của H, để buộc H bồi thường (tuyên án vắng mặt H).

Quan điểm thứ ba: V có trách nhiệm liên đới bồi thường ½ giá trị chiếc xe SH và không xem xét vấn đề bồi thường đối với H. Trách nhiệm bồi thường của H được giải quyết khi bắt được và xét xử H.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi vì căn cứ khoản 1 điều 585 bộ luật dân sự quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Vì vậy, trong trường hợp này H bỏ trốn cơ quan tố tụng đã tạm đình chỉ vụ án đối với H cho nên trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại thiệt hại cho anh K thuộc về V nhằm đảm bảo quyền lợi cho anh K, còn trách nhiệm hoàn trả của H cho V được giải quyết theo điều 587 bộ luật dân sự: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.  Như vậy, chấp nhận yêu cầu của anh K buộc V phải bồi thường cho mình toàn bộ giá trị chiếc xe SH (57 triệu đồng) là có căn cứ.

Trên đây là quan điểm đối với vụ án, kính mong các độc giả đóng góp ý kiến.

Bài cùng chuyên mục
Back to top